Dương Đỗ, CEO của Toong và GốcCreation: Cảm xúc và văn hóa thì không thể bắt chước
Đến thời điểm này Toong đã phát triển đến gần 20 điểm cả trong và ngoài nước, còn thời điểm năm 2015, nghe mọi người hoài nghi thì anh có cảm thấy niềm tin của mình bị lung lay không?
Không đâu, nếu không có đủ niềm tin thì tôi đã không làm. Tôi xuất thân là dân tư vấn chiến lược thương hiệu chuyên nghiệp. Nhưng khi bắt đầu Toong, tôi không làm bất cứ một nghiên cứu thị trường nào. Bởi vì lúc đó, nếu tôi hỏi thị trường là: “Bạn có cần một nơi làm việc chung có cả nơi hội họp, tương tác, nghỉ ngơi, hay đơn thuần là có chỗ để thay đổi “tư thế” làm việc xuyên suốt ngày dài?”, có lẽ đến 99% người sẽ trả lời không. Tôi chọn là người bày ra cho mọi người thấy đây nên là môi trường mà họ nên làm việc – một nơi làm việc hiệu quả, nâng cao năng suất và khơi dậy sự sáng tạo của họ, cũng là nơi làm họ trở nên nhạy cảm và giàu cảm xúc hơn.
___Với niềm tin đó, anh mất bao lâu để thuyết phục thị trường?
Tôi mất tám tháng để thuyết phục thị trường Hà Nội. Tại TP. Hồ Chí Minh, không gian làm việc chung đầu tiên được xây dựng ở chung cư The Vista An Phú, đường đi khá xa và khó khăn, nhưng chúng tôi chỉ mất năm tuần để lấp đầy văn phòng. Các điểm Toong sau này thì luôn có người đặt chỗ trước ngày khai trương.
Nếu một người khởi sự kinh doanh bằng cách hỏi xem thị trường cần gì muốn gì, rồi theo đó mà là sản phẩm, thì mãi mãi chỉ là người chạy theo nhu cầu của thị trường (Follower). Bởi lẽ khi khách hàng biết họ muốn gì nghĩa là thị trường đã có sản phẩm như vậy rồi, chúng ta có làm tốt đến đâu cũng chỉ có thể cải tiến sản phẩm đôi chút. Khác hơn là kinh doanh như người khai mở (Leader), phục vụ một nhu cầu sâu thẳm của khách hàng, thậm chí khách hàng chưa nhận ra hoặc họ chưa thể gọi tên. Như vậy mới tạo ra sản phẩm đột phá và có giá trị mới. Tư duy của những người có khả năng dẫn dắt nhu cầu thị trường thì ít bị cạnh tranh và khó bắt chước.
Nên anh tin rằng Toong không dễ bắt chước?
Điều khác biệt của Toong là giải quyết nhu cầu về nâng cao chất lượng cuộc sống, chứ không đơn thuần là kiến trúc hay cảnh quan. Vì thế, Toong tạo ra là môi trường văn hoá tổng thể mà ở đó, yếu tố hữu hình và vô hình đều được chọn lọc và đặt để theo hướng làm cho cảm xúc, tinh thần của người dùng trở nên tích cực hơn. Dù có những thay đổi, ứng biến trong cách sắp xếp, vận hành tại những không gian khác nhau và theo thời gian khác nhau, nhưng mục tiêu chung về văn hóa của chúng tôi thì không thay đổi. Đó cũng chính là yếu tố cạnh tranh bền vững, khó lòng bắt chước được.
Hầu hết các điểm Toong đều tạo điều kiện cho mọi người gần gũi thiên nhiên, cỏ cây. Có thể thấy anh rất chú trọng về thiết kế cảnh quan trong từng dự án?
Thực ra, thiết kế cảnh quan chỉ là một trong các yếu tố góp phần tạo nên môi trường làm việc Toong. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như: kiến trúc, nội thất, âm thanh, ánh sáng, mùi hương… Chẳng hạn như không gian bạn đang ngồi đây, ánh sáng buổi sáng trưa chiều khác nhau do thiết kế mái xiên hở để ánh sáng di chuyển trên bức tường lớn được sơn thủ công màu san hô đỏ. Âm nhạc buổi sáng cũng không giống âm nhạc giờ nghỉ trưa hay chiều tối. Tôi thử không dưới 100 mùi khác nhau để chọn một mùi hương phù hợp cho không gian. Bởi vì môi trường chúng ta sống là tổng hòa của nhiều các yếu tố khác nhau, chứ không chỉ có thiên nhiên, mặc dù thiên nhiên có những nét đẹp riêng của nó.
Đối với môi trường làm việc, không phải là chúng ta nên thiết kế tối ưu diện tích, ưu tiên sự tập trung hơn là đặt để quá nhiều yếu tố nghệ thuật hay cảm xúc sao?
Mỗi ngày, thời gian chúng ta ở nơi làm việc còn nhiều hơn ở nhà. Thật vô lý khi chúng ta tự gò bó mình trong một gian ảm đạm, mọi người chỉ tập trung vào máy tính, hầu như không giao tiếp với nhau. Sự thật là, chăm sóc tốt nơi làm việc là cách để nâng cao hiệu quả công việc, cũng chính là nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Trong tất cả môi trường làm việc, Toong cố gắng tạo ra những không gian chức năng khác nhau, có không gian tĩnh hoàn toàn để tăng sự tập trung, cũng có không gian vui vẻ sống động để tái tạo năng lượng, có văn phòng riêng và cũng có không gian chung để mọi người gặp gỡ, trao nhau nụ cười. Toong là nơi làm việc của nhiều ngành nghề khác nhau, đôi khi không cần trực tiếp nói chuyện, chỉ cần nhìn thấy phong cách làm việc và giao tiếp đa dạng của mọi người, bạn cũng thấy mình tươi mới hơn.
Chúng tôi thỉnh thoảng lại thay đổi cách sắp đặt, bố trí không gian. Thiên nhiên tại Toong cũng thường được chăm chút để luôn tưới tắn, đâm chồi, ra hoa. Có anh CEO người Thái Lan nói với tôi: “Buổi sáng đi làm, tôi thấy những mầm tre nhỏ mọc lên, thay đổi mỗi ngày, trông đầy sức sống”. Sống ở một nơi mà mỗi ngày bạn đều cảm nhận sự vận động, nảy nở của không gian xung quanh mình là một điều tuyệt vời, đúng không? Trong không gian đó, bạn sẽ thấy mình cũng vận động và phát triển, hay ít nhất là trở nên nhạy cảm hơn.
Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, mọi người thường quan tâm đến việc ứng dụng máy móc và công nghệ hơn là nói về cảm xúc hay sự nhạy cảm?
Tôi không đả kích sự phát triển của công nghệ. Bản thân Toong sử dụng rất nhiều công nghệ trong điều hành quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng chúng ta cần minh định là công nghệ tạo ra để phục vụ con người, chứ không phải để công nghệ cuốn chúng ta đi. Chúng ta tạo ra công nghệ để bớt việc cho con người, nhưng thực tế thì khi công nghệ càng tiên tiến, chúng ta lại càng cố chạy theo nó và phải làm việc nhiều hơn.
Dù công nghệ có phát triển đến đâu thì cũng không làm thay đổi một nhu cầu cốt lõi của con người, đó là trở thành người có cảm xúc, được kết nối chia sẻ trực tiếp và được học hỏi, truyền cảm hứng để trở thành người tốt hơn. Nếu không có cảm xúc thì chúng ta có khác gì robot. Nếu không học hỏi phát triển thì chúng ta không thể tiến hóa. Chúng tôi đang phục vụ tầng lớp trí thức thành thị, họ đều muốn bản thân mình tiến hóa trở thành người minh mẫn hơn. Hơn nữa, chúng ta phải là người minh mẫn thì mới làm ra sản phẩm giá trị, khởi nghiệp và kinh doanh tốt chứ.
Giới trí thức thành thị rất đông đảo, liệu Toong phục vụ được bao nhiêu người trong số này?
Nếu nói về con số khách hàng mà chúng tôi đang phục vụ thì e là còn rất ít so với mong muốn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang nỗ lực để làm tốt nhất trong khả năng của mình. Toong có mặt từ vị trí “đất vàng” đến những vùng xa trung tâm thành phố, được xây trong những toà nhà hạng A đến nhà xưởng cũ…, nên giá thuê rất đa dạng, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Nếu thích tận hưởng một không gian biệt thự sang trọng của một gia đình hoàng tộc trước kia, người ta chọn Toong Phạm Ngọc Thạch, Quận 1. Còn nếu tìm một không gian trẻ trung, đan cài vào bối cảnh xộc xệch của kiến trúc đô thị đời thường, người ta chọn Toong Võ Thị Sáu…
“Giám tuyển” là một vai trò mới lạ với cộng đồng, anh có thể nói rõ hơn không?
Giám tuyển là một quy trình tìm hiểu, chắt lọc và phối kết hợp hai hay nhiều thành tố khác nhau thành một hợp thể mới, nhằm tác động tới nhận thức của đối thụ hưởng về một chủ đề nào đó. Tôi thành lập Gốc Creation với vai trò là một giám tuyển như vậy, chúng tôi chỉ làm những dự án thoả mãn song song giá trị kinh tế và văn hoá xã hội mà chưa hoặc ít ai làm. GốcCreation có các dịch vụ tư vấn khai thác bất động sản, thiết kế trải nghiệm người dùng cho các không gian thương mại và sáng tác kiến trúc, thiết kế những công trình kiến trúc theo ngôn ngữ nghệ thuật đương đại nhưng vẫn thoả mãn tính thực dụng về quy hoạch và mục đích khai thác.
Vậy có không gian nào của Toong được thực hiện bởi ý đồ của giám tuyển đô thị không?
Là nơi bạn đang ngồi đây. Toong trên con phố Võ Thị Sáu khôi phục một không gian gần như bị lãng quên giữa trung tâm Sài Gòn, trở thành một nơi tốt hơn cho tất cả mọi người. Nó không chỉ tốt cho những người thuê văn phòng tại đây, mà còn tốt cho cả cộng đồng bên ngoài cộng đồng của Toong nữa. Đây là một không gian mở để mọi người có thể đến thưởng lãm nghệ thuật, lắng nghe câu chuyện cà phê chất lượng cao từ người nông dân tâm huyết, chứng kiến quá trình sáng tác của nghệ sĩ cởi mở, nghe loại âm nhạc thành thị đầy sức sống, ngửi một mùi thơm giàu cảm xúc, bắt gặp những loại cây từng chỉ có trong ký ức quê mùa, tận hưởng một góc nhìn khác, xộc xệc mà đáng yêu của Sài Gòn.
Tại đây, mái tôn trần rỉ sét được tái sử dụng để ốp hai bên tường, lưu giữ nét đẹp thời gian. Lối vào chủ đích không có mái che để thỉnh thoảng, mọi người được ùa ra ngắm bức tranh lá chò nâu vẽ trên nền đất. Ai cũng có nhu cầu về thưởng thức cái đẹp, được rung động, nhưng chúng ta đã quen với định kiến, hay mặc định có gì hưởng nấy. Thậm chí chúng ta không thể gọi tên nhu cầu sâu thẳm của mình. Tôi tin rằng nhiệm vụ của Giám tuyển Đô thị là giúp vén đi lớp sương mờ định kiến, kết nối lại con người với con người, con người với thiên nhiên, để cuộc sống thành thị trở nên có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn.
Còn cuộc đời mình thì sao, anh đã thấy đáng sống rồi chứ?
Rất đáng sống. Mỗi ngày được làm với điều mình thích và tôi trân trọng tất cả những điều đang hiện diện trong cuộc sống của mình. Tất nhiên khó khăn và thử thách thì lúc nào cũng có, nhưng đó là điều đương nhiên. Điều tuyệt vời là tôi thấy môi trường mà chúng tôi tạo ra tại Toong cũng như thông qua các dự án của GốcCreation đang thay đổi mọi người theo hướng tích cực. Và mỗi năm, tôi lại thấy mình tiến hóa!
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị.
Fanpage facebook : PT3D Interior Design